21 năm gắn bó với bậc học mầm non, cô Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1975), Trường Mầm non Hoa Hồng (xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú) luôn không ngừng học tập, phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhằm phục vụ công tác giảng dạy, chăm sóc học sinh ngày càng tốt hơn.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà trong một giờ lên lớp

Với ước mơ trở thành giáo viên mầm non, năm 1997 sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng SP Bình Dương, cô Hà về công tác tại trường MN Tân Lợi. Năm 1998 chuyển trường và về dạy ở trường MN Sơn Ca, năm 2006, sau khi  tách trường Sơn Ca và thành lập thêm trường MN Hoa Hồng cô về công tác ở ngôi trường mới từ đó đến nay. Nghề nuôi dạy trẻ vất vả, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà chưa bao giờ nản lòng, luôn cố gắng, tận tụy, gương mẫu trong mọi công việc, được đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh tin tưởng, quý mến. Tham dự một tiết dạy của cô Hà, chúng tôi thấy sự yêu nghề, tấm lòng yêu thương của cô dành cho con trẻ. Với tác phong nhanh nhẹn, tháo vát cùng giọng nói rõ ràng, truyền cảm, tiết học tập vẽ tranh tưởng chừng như rất đơn điệu của các bạn nhỏ cũng trở nên thật sinh động, cuốn hút qua cách hướng dẫn linh hoạt, gợi mở liên tưởng của cô. Đây cũng là mục tiêu giáo dục mà cô luôn hướng tới suốt thời gian qua. “Thực hiện phương pháp giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”, tôi luôn cố gắng tạo điều kiện để giúp trẻ hứng thú với việc học và phát triển thế mạnh của mình. Trong quá trình giảng dạy, từ tiết học hoạt động tạo hình, hoạt động thể chất, đến tổ chức các hoạt động vui chơi… tôi luôn đóng vai trò là người hướng dẫn, gợi ý cách chơi theo trình tự hợp lý, còn trẻ sẽ là người thực hiện, tự khám phá, trải nghiệm theo tinh thần “học mà chơi, chơi mà học”. Qua đó, không chỉ thu hút các em vào các hoạt động một cách tự nhiên, mà còn giúp bộc lộ tối đa khả năng, năng khiếu của bản thân”. Cô Hà chia sẻ.

Theo cô, bậc học mầm non chính là cánh cửa đầu tiên trong quá trình hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ. Do đó, mỗi giáo viên mầm non không chỉ đơn thuần là cô giáo, mà còn phải là mẹ, là bác sĩ, ca sĩ, họa sĩ, là tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Vì vậy, trong mỗi trang giáo án, cô luôn trăn trở, đầu tư tâm huyết xây dựng bài giảng, lồng ghép với giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, tạo lối sống lành mạnh, trung thực, giàu lòng nhân ái cho các em qua mỗi tiết học. Đồng thời, cô luôn quan tâm, sâu sát từng học sinh để nắm bắt tâm lý, tính cách, sở thích của mỗi em, từ đó lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp, hài hòa. Cùng với đó, cô thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, qua việc trình chiếu hình ảnh, video, giúp học sinh được quan sát trực quan, sinh động. Cô và các đồng nghiệp chủ động tìm hiểu, đọc thêm các tài liệu, phương pháp trên mạng internet để áp dụng sáng tạo làm đồ chơi, đồ dùng học tập cho học sinh phục vụ tiết dạy hiệu quả hơn. Bản thân cô luôn mong muốn có những chủ đề dạy học cần nhiều sáng tạo, đặc biệt làm đồ chơi cho trẻ. Để làm được điều này, cô Hà tận dụng những phế liệu như: Vỏ chai nước, vỏ ốc, vỏ sò, đĩa CD, muỗng nhựa… làm đồ chơi. Cách này vừa tiết kiệm, mà đồ chơi cho trẻ lại đa dạng, đáp ứng nhiều buổi học ngoại khóa. Không chỉ tìm tòi, sáng tạo ra nhiều đồ chơi, đồ trang trí thiết thực, bổ ích trong lớp học, cô còn không ngừng học hỏi, sưu tầm và làm những đồ dùng học tập phù hợp với nội dung, chủ đề trong từng tiết học. 

Bằng những cố gắng không ngừng trong công tác, nhiều năm liền cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi các cấp, cùng nhiều giấy khen của UBND huyện Đồng Phú, Sở GD&ĐT về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ các năm học. Năm học 2016-2017 được UBND Tỉnh tặng bằng khen, 2017 được Bộ trưởng bộ GD và ĐT tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục.

Cô Trần Thị Hơn – Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Hồng cho biết: “Cô Thu Hà là giáo viên năng nổ của trường trong mọi hoạt động. Cô rất yêu nghề, mến trẻ, biết chia sẻ, lắng nghe và quan tâm đến trẻ mỗi ngày, biết xây dựng ý thức thân thiện với trẻ, với phụ huynh và đồng nghiệp. Cô luôn chú ý đổi mới phương pháp dạy học thu hút trẻ tương tác và phát huy trí tuệ của mỗi học sinh”. Cũng theo cô Hơn: Ngoài công tác giảng dạy, cô Hà còn được tâp thể nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ làm chủ tịch Công Đoàn, dù ở cương vị nào, cô đều nhiệt tình, đi đầu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động do nhà trường và công đoàn ngành tổ chức, nhất là các hội thi giáo viên dạy giỏi, làm đồ dùng dạy học; hướng dẫn các cháu tham gia các chương trình văn nghệ nhân các ngày lễ, hội của trường…

Tự cho rằng, “có duyên với công việc của một giáo viên mầm non”, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những yêu cầu cần có của một cô giáo nuôi dạy trẻ. “Ngoài kiến thức, thì điều quan trọng nhất mà một giáo viên mầm non phải có đó là lòng yêu nghề, tính chịu khó và sự bền bỉ. Bởi mầm non là lứa tuổi hiếu động, tinh nghịch và rất dễ bắt chước. Vì vậy, để hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ thì cô giáo phải có đạo đức, lối sống, cách cư xử… sao cho chuẩn mực. Như bản thân tôi, dù công việc áp lực, mệt mỏi đến đâu nhưng chỉ cần nhìn thấy nụ cười của các con, chứng kiến chúng ăn ngon lành một suất ăn trưa hay thỏ thẻ chạy đến nhờ cô Hà buộc lại mái tóc cho cũng đủ vui và hạnh phúc rồi, chẳng có niềm khích lệ, nguồn động lực nào lớn hơn những điều đơn giản như thế”. Cô Hà cho biết.

                                                                                                         Lê Thị Thực