Tiết kiệm để giúp bạn vượt khó đến trường là niềm vui của học sinh Trường tiểu học Lộc Tấn B
Trường tiểu học Đăng Hà, xã Đăng Hà (Bù Đăng) thuộc địa bàn khó khăn, giao thông cách trở với hơn 80% học sinh DTTS. Nhưng bằng tấm lòng vì học sinh thân yêu, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nơi đây đã làm tất cả những gì có thể để giúp học sinh nghèo ăn no, mặc ấm, được cắp sách tới trường, vươn lên học tập tốt. Thầy Phan Công Hiếu, Hiệu trưởng cho biết: Học sinh của trường thuộc các thôn 3, 5, 6, trong đó thôn 5 có diện tích rộng, dân sống thưa, giao thông cách trở. Từ tổ 4, thôn 5 ra đến trường có nơi gần 10km, trong đó phần lớn là đường đồi, hẹp, dốc cao, trơn trượt, các phương tiện không thể lưu thông mà phải đi bộ. Để đến trường kịp giờ học, nhiều em phải dùng đèn pin soi đường đến lớp từ lúc mờ sáng. Để giúp học sinh nghèo, khó khăn, xa nhà có được bữa cơm trưa khi ở lại học buổi chiều, từ năm 2008, trường đã thành lập bếp cơm tình thương và vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ lương thực, thực phẩm, tiền mặt. Những năm đầu, trường vận động được từ 20-30 suất/ngày, đến năm học 2016-2017 vận động 58 suất/ngày. Bếp ăn do chính các nhân viên văn phòng nhà trường thực hiện, vừa đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm vừa đỡ tốn chi phí thuê nhân công. Ngoài bữa ăn trưa miễn phí, phần lớn học sinh nơi đây không phải đóng góp bất cứ khoản nào. Hằng năm, nhà trường đều gửi thư ngỏ kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ hàng trăm suất quà, học bổng, xe đạp, sách vở, quần áo, gạo… cho các em. Ngoài ra, từ đầu năm học 2015-2016 đến nay, thực hiện Chỉ thị 03, nay là Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, mỗi cán bộ, giáo viên của trường tự nguyện đăng ký theo dõi, giúp đỡ từ 1-3 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt. Những việc làm cụ thể, thiết thực của Trường tiểu học Đăng Hà trở thành điển hình trong toàn ngành giáo dục tỉnh, được các cấp khen thưởng.
Đứng chân trên địa bàn xã biên giới khó khăn, số lượng học sinh rất ít (254 em/8 lớp), những năm qua Trường THCS Phước Thiện (Bù Đốp) thực hiện nhiều phong trào thi đua hiệu quả, như: “Đôi bạn cùng tiến”, “Bạn giỏi giúp bạn yếu”, “Tổ nhóm học tập”… có sự giám sát, theo dõi của giáo viên chủ nhiệm; “Thầy trò ta cùng tiến”, mỗi giáo viên đăng ký giúp 5-10 học sinh yếu, kém vươn lên trong học tập. Thực hành tiết kiệm giúp học sinh nghèo, nhà trường phân công đoàn thanh niên nhận đỡ đầu 1 học sinh nghèo/năm; hội phụ nữ tiết kiệm 1 năm 2 triệu đồng, tặng 2 sổ tiết kiệm cho học sinh khó khăn; liên đội quyên góp mua 2 xe đạp, tặng 2 học sinh nghèo ở xa trường; mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trích tiền lương đóng góp vào quỹ khuyến học mỗi tháng 20 ngàn đồng trao học bổng cho học sinh nghèo học tốt.
Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những năm trước, Trường THPT Trần Phú (Hớn Quản) tuyên truyền, vận động trước cờ, tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt chi bộ qua những mẫu chuyện về Bác, gương người tốt, việc tốt. Nhưng từ năm học 2016-2017, nhà trường cụ thể hóa bằng thực hành tiết kiệm hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó đến lớp, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trích 20 ngàn đồng/tháng, học sinh góp 4 ngàn đồng/tháng. Toàn bộ kinh phí góp cho quỹ khuyến học nhà trường với gần 40 triệu đồng/năm tặng hàng chục suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học tốt…
Và những thành quả
Qua 20 năm tái lập tỉnh, dù được các cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư, hỗ trợ xây dựng trường lớp. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường học, nhất là các trường vùng sâu, xa, biên giới cơ sở vật chất còn thiếu, có nơi phải học trong phòng tạm, mượn. Dù vậy, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, lòng tâm huyết của đội ngũ thầy cô giáo, nghị lực vượt khó của học sinh nên chất lượng giáo dục ngày càng tăng cao, tỷ lệ học sinh bỏ học ngày càng giảm. Đứng chân trên địa bàn xã biên giới xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh nhưng từ khi tách trường năm 2010 đến nay, Trường tiểu học Lộc Tấn B không có học sinh bỏ học; 3 năm liền trường đạt danh hiệu xuất sắc toàn diện được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen, luôn dẫn đầu ngành GD-ĐT huyện Lộc Ninh. Các Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, Trương Định (Bù Gia Mập), Đăng Hà, Lý Tự Trọng (Bù Đăng)…phòng học xuống cấp, học sinh đi học xa với trên 75% học sinh DTTS nhưng nhiều năm liền không có học sinh bỏ học, tỷ lệ huy động ra lớp luôn đạt 100%. Là đơn vị khó khăn nhất của huyện Bù Đốp về cơ sở vật chất, nhưng bằng những việc làm cụ thể theo gương Bác, Trường THCS Phước Thiện luôn dẫn đầu huyện về điểm thi vào lớp 10. Cụ thể, 3 năm học gần đây trường có từ 2-4 em đỗ vào Trường THPT chuyên Bình Long, đặc biệt trường luôn có tỷ lệ học sinh bỏ học thấp nhất huyện từ 3-5 em/năm.