Học sinh trường tiểu học Tân Phú (Đồng Xoài) đọc sách ở thư viện xanh trong giờ ra chơi
Ông Nguyễn Văn Hùng: Mục tiêu của CTGDPTTT cụ thể hóa mục tiêu của giáo dục phổ thông (CTGDPT), giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.
Đáng chú ý nhất của dự thảo là hệ thống các môn học của CTGDPT được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc. Ở tiểu học, các môn học bắt buộc, gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1 (lớp 3, 4, 5), Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta (lớp 1, 2, 3), Tìm hiểu xã hội (lớp 4, 5), Tìm hiểu tự nhiên (lớp 4, 5), Tìm hiểu công nghệ (lớp 4, 5); các môn học bắt buộc có phân hóa, gồm: Thế giới công nghệ (lớp 1, 2, 3), Tìm hiểu tin học (lớp 4, 5), Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo; môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số.
Ở THCS, các môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Sử và Địa; các môn học bắt buộc có phân hóa: Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo; môn học tự chọn, gồm: Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2.
Thay đổi lớn nhất của chương trình là bậc THPT. Học sinh Trường THPT chuyên Quang Trung trong giờ học Sử
PV: Thưa Giám đốc, so với chương trình hiện hành, dự thảo CTGDPTTT có những điểm gì mới, tiến bộ và những bất cập, hoặc điều gì còn băn khoăn, nhất là đối với tỉnh Bình Phước nói riêng?
Ông Nguyễn Văn Hùng: Đó là chương trình được xây dựng theo phương pháp đi từ xác định chuẩn đầu ra về nhu cầu phát triển của đất nước, nhu cầu nhân lực… để xác định nội dung, phương pháp giảng dạy. Chương trình đã xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học và được thể hiện trong quan điểm, mục tiêu nội dung phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của học sinh. Đánh giá kết quả quá trình học tập của học sinh và kết quả thi tốt nghiệp phải đánh giá tiến bộ và mức độ đạt được của người học về phẩm chất và năng lực so với mục tiêu giáo dục.
Điểm mới của dự thảo là không quy định thứ tự tuần học cho từng môn mà chỉ quy định số tiết mỗi môn cần đạt trong năm. Thời gian học sẽ do từng trường sắp xếp. Chương trình mới không đóng khung trong một bộ sách giáo khoa mà áp dụng chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách”. Trong thời lượng của chương trình cũng dành 2 tuần/1 năm cho nội dung giáo dục địa phương. Hệ thống các môn học của dự thảo gồm môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc.
Việc CTGDPTTT quy định hai giai đoạn giáo dục: Giáo dục cơ bản gồm giáo dục tiểu học, THCS và giáo dục định hướng nghề nghiệp (dự hướng ở lớp 10, tiếp cận nghề nghiệp ở lớp 11, 12). Điều đó giúp học sinh giải quyết được các kiến thức liên môn, không bị trùng lặp và tiết kiệm được thời gian. Ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp sẽ thực hiện phân hóa sâu hơn, tạo điều kiện cho học sinh tập trung học một số môn phù hợp với nguyện vọng chọn ngành, nghề sau khi tốt nghiệp. Sự phân hóa được thực hiện theo phương thức tự chọn. Như vậy, thay đổi lớn nhất trong CTGDPT mới là ở bậc THPT, đây là một trong những điểm nổi bật nhất của dự thảo.
Tuy vậy, dự thảo vẫn còn nhiều bất cập cần tìm giải pháp khắc phục, như cần phải có luận cứ để làm sáng tỏ chương trình có đảm bảo được sự phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực và hài hòa về đức, trí, thể, mỹ hay không? Cần giảm tải chương trình lớp 10, vì học sinh học khoảng 16 môn là khá nặng so với các lớp khác. Trong 2 năm định hướng nghề nghiệp lớp 11 và 12, có nhiều nhóm môn học với những cách đặt tên có thể gây hiểu nhầm và sự liên kết giữa chúng cần được luận giải kỹ càng và hợp lý. Cơ sở vật chất hiện tại liệu có đảm bảo cho việc thực hiện chương trình mới? Đội ngũ giáo viên có thể đảm đương được phần chương trình khi chưa được đào tạo?
Để đảm bảo chất lượng giảng dạy cần phải có những giáo viên được đào tạo đúng chuyên môn từ các trường sư phạm. Với quy định một số môn mới so với chương trình hiện tại, có thể dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên chuyên môn như Tiếng dân tộc thiểu số, môn bắt buộc Khoa học tự nhiên ở THCS, môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Thiết kế và Công nghệ ở THPT, môn Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn xáo trộn dẫn đến thừa thiếu giáo viên cục bộ giải quyết như thế nào?
Dự thảo CTGDPT có thể sẽ dẫn đến tình trạng “vừa thiếu vừa thừa” giáo viên, thậm chí không ít giáo viên sẽ… thất nghiệp. Nhiều môn học mới ra đời, học sinh được tự do chọn môn học mình yêu thích mà không cần phải học hết tất cả các môn như trước đây. Vì vậy, tình trạng sẽ có giáo viên dạy thiếu tiết theo quy định, vì thiếu lớp dạy do học sinh không chọn hoặc chọn ít thì nhà trường vẫn phải trả lương đủ cho giáo viên đó. Ngược lại, những môn có học sinh chọn học nhiều thì giáo viên có thể dạy thừa giờ và nhà trường phải trả thêm tiền dạy vượt giờ cho giáo viên. Điều đó, có thể dẫn đến thiếu hụt ngân sách và thậm chí có thể dẫn đến sự thiếu công bằng trong công việc giữa người dạy thiếu tiết và người dạy đủ tiết.
Theo kế hoạch, chương trình sẽ được áp dụng năm học 2018-2019, thời gian không còn nhiều, trong khi việc biên soạn sách giáo khoa trên nguyên tắc cần phải được bảo đảm chất lượng.
PV: Nếu dự thảo chính thức được ban hành và thực hiện vào đầu năm học 2018-2019, ngành giáo dục tỉnh sẽ có những chuẩn bị, định hướng gì?
Ông Nhuyễn Văn Hùng: Trước mắt sẽ cho tất cả cán bộ, giáo viên góp ý vào dự thảo. Giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên; đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhất là bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học mới; dự trù kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; đẩy mạnh tuyên truyền tới phụ huynh học sinh trên địa bàn tỉnh.
Trân trọng cảm ơn đồng chí Giám đốc!
VŨ THUYÊN (Thực hiện)